Thông tin chung Truyện_kể_Genji

Thời đại

Một trang kana chép tay Truyện kể Genji từ hậu kỳ Heian, thế kỷ thứ 12

Thời Trung cổ Nhật Bản kéo dài chừng 4 thế kỷ từ khi vương triều Nhật Bản thiên đô về Heian kyo (Bình An kinh) vào năm 794, cho đến khi Mạc phủ Kamakura được thiết lập năm 1183 (chính thức vào năm 1192). Đóng vai trò chủ yếu trong nền văn học trung cổ thời Heian là quý tộc triều đình Heian quây quần chung quanh dòng họ Fujiwara (Đằng Nguyên) nắm quyền bính thời bấy giờ.

Cuối thời Nara (710-794), chính trị lâm vào chỗ bế tắc. Thiên hoàng cho thiên đô từ Nara về Heian (nay là Kyoto) nhằm xây dựng lại một trật tự chính trị và pháp độ mới, trước hết là mô phỏng Trung Quốc từ kiến trúc đô thành đến việc tiếp thu nghi thức của nhà Đường. Thơ văn chữ Hán trở thành văn học cửa công, đồng nghĩa với sinh hoạt cung đình. Tuy nhiên, từ hậu bán thế kỷ 9, khi trào lưu sáng tác bằng ngôn ngữ và các thể loại chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa đã lắng xuống, giới quý tộc chú ý hơn đến văn học dân tộc. Một yếu tố quyết định sự phát triển của văn chương Nhật Bản đương thời là sự phát triển của chữ viết. Chữ manyogana được tạo ra từ chữ Hán trước đó đã phát triển thành hiraganakatakana, trở thành phương tiện tốt nhất cho sự biểu cảm văn tự đối với tầng lớp nữ lưu cung đình, những người vốn không mấy mặn mà với các thể loại cũng như ngôn ngữ văn chương Trung Quốc[5]. Thời đại Heian chứng kiến sự thành công vang dội của các nhà văn, nhà thơ nữ, phần lớn trong họ thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu cung đình. Sáng tác của họ thường là những ghi chép lại cuộc sống, kinh nghiệm của mình và nhất là những trải nghiệm trong chốn phồn hoa nơi đô hội[6]. Dưới ngòi bút của nữ giới, sự nở rộ của các thể loại văn học quan trọng như nhật ký (nikki), tùy bút (zuihitsu) và tiểu thuyết (monogatari), tạo ra một nền văn học Heian trữ tình ngọt ngào nữ tính.

Tác giả và tác phẩm

Vào triều đại Thiên hoàng Nhất Điều (986-1011) cuối thời Heian, tiểu thuyết và tùy bút đạt đỉnh cao. Nếu dưới trướng của hoàng hậu Fujiwara Teishi (976-1000) đương thời có một Sei Shonagon với Sách gối đầu (枕草子 (Chẩm thảo tử), Makura no soshi?) được coi là tùy bút đầu tiên của Nhật Bản[6], thì dưới trướng của thứ phi Akiko có một Murasaki Shikibu với Truyện kể Genji như một ngôi sao băng sáng chói trên bầu trời văn học Nhật Bản[7], là tiểu thuyết tả thực[8], tiểu thuyết tâm lý, tiểu thuyết trữ tình theo nghĩa hiện đại đầu tiên của nhân loại ra đời trước Đôn Kihôtê của Tây Ban NhaHồng Lâu Mộng của Trung Quốc tới 6 thế kỷ.

Chân dung nữ sĩ Murasaki Shikibu do Tosa Mitsuoki thủ bút

Mặc dù Truyện kể Genji bản cổ ra đời khoảng năm 1008-1010 đã mất và bản còn biết ngày nay có niên đại thuộc thời Kamakura (200 năm sau khi tác phẩm ra đời)[9], những nghiên cứu mới nhất từ giới học giả Nhật Bản vẫn cho thấy Truyện kể Genji là công trình của một người duy nhất, Murasaki Shikibu, với sự thêm thắt ở hai thế kỷ tiếp theo, tuy chúng không đủ tầm cỡ để làm thay đổi bản gốc[10]. Ít ra cũng có chương 44, "Dòng sông trúc", được nhiều người cho là của một người khác viết, và hai chương ngắn ngủi trước đó cũng đáng ngờ. Đi xa hơn trong phán đoán, một số học giả còn cho rằng phần "Uji thập thiếp", 10 chương cuối Truyện kể Genji, rất có thể do một người khác viết và gán quyền tác giả cho con gái bà, Daini no Sammi, tuy rằng nhiều học giả khác chống lại sự gán ghép đó với quan điểm rằng khó mà hình dung nổi có một tài năng thứ hai không được chuẩn bị đầy đủ mà lại kế tục một cách xuất sắc như thế những gì mà Murasaki Shikibu đã triển khai[10]. Bằng chứng khi nhìn lịch sử văn học Nhật Bản hậu Murasaki Shikibu, nhiều thế kỷ về sau những truyện tình lãng mạn khác, như Truyện kể Sagoromo (Sagoromo monogatari), Tẩm giác nửa đêm (Yowa no nezame), Truyện Hamamatsu Chūnagon (Hamamatsu Chūnagon monogatari), Truyện kể Torikaebaya (Torikaebaya monogatari), so với Genji monogatari vẫn còn khá nghèo nàn.

Tiếp nhận điển cố Trung Hoa

Tuy Truyện kể Genji được coi là một tác phẩm văn chương với đề tài và ngôn ngữ thuần Nhật nảy nở trong môi trường thời đại đang không ngừng hướng về những giá trị văn hóa truyền thống, Nghiêm Thiệu Sương, trong khi nghiên cứu thư tịch chữ Hán ở Nhật Bản, đã thống kê được trong 152 tình tiết phát triển của cốt truyện, Murasaki Shikibu vẫn dẫn dụng tới 131 đoạn văn thư tịch Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ rằng đương thời, Hán tịch vẫn phổ biến rộng rãi tại Nhật Bản và hơn nữa, còn xâm nhập vào quan niệm văn hóa của các trí thức Nhật Bản[8], trở thành điểm tựa không thể thiếu trong tư duy của họ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Truyện_kể_Genji http://jti.lib.virginia.edu/japanese/genji/ http://www.tokugawa-art-museum.jp/english/index.ht... http://web.archive.org/web/20080314050049/http://w... http://web.archive.org/web/20080314203013/http://s... http://web.archive.org/web/20080411021943/http://w... http://www.taleofgenji.org/ http://webworld.unesco.org/genji/en/about.shtml http://webworld.unesco.org/genji/en/index.shtml http://webworld.unesco.org/genji/en/part_2/34-128.... https://www.imdb.com/title/tt0043580/